Sự kiện mở đầu Liên_Xô_tấn_công_Ba_Lan

Các lãnh thổ mà Ba Lan chiếm của Nga năm 1921 được tô màu hồng. Màu xanh lá là đường Curzon, đường biên giới truyền thống giữa Đế chế Nga và Ba Lan

Quan hệ giữa Ba Lan và Nga vô cùng xấu kể từ Chiến tranh Nga-Ba Lan (1919-1921), trong đó Ba Lan đã chiếm nhiều vùng đất rộng lớn thuộc Nga và có khoảng 6 triệu dân Belarusia và Ukraina (là người dân thuộc Nga) đã nằm dưới sự chiếm đóng của Ba Lan. Sau cái chết của Jozef Pilsudski, chính sách của Ba Lan tiếp tục với lập trường đối đầu với Liên Xô, thậm chí Ba Lan còn nuôi ý định sẽ tiếp tục tấn công Liên Xô, chiếm trọn cả Belarus và Ucraina để vươn lên thành cường quốc châu Âu. Phía Liên Xô thì luôn nung nấu ý định thu hồi lại những đất đai mà Ba Lan đã chiếm của họ. Người Ukraina và Belarus (khi đó được gọi là vùng Đông Ba Lan) luôn mong chờ cuộc tấn công của Hồng quân để giúp họ thoát khỏi sự chiếm đóng của Ba Lan và trở về với "Đất mẹ Nga".[12]

Cuối thập niên 1930, Liên Xô đã cố tạo một liên minh chống Đức với Anh quốc, PhápBa Lan.[h] Tuy nhiên các cuộc thương thảo lại tỏ ra khó khăn. Những người Liên Xô đòi một phạm vi ảnh hưởng trải dài từ Phần Lan đến România và đã đòi hỏi hỗ trợ quân sự để chống lại không chỉ bất cứ ai tấn công họ một cách trực tiếp mà còn cả các quốc gia nằm trong phạm vi ảnh hưởng theo đề xuất của họ.[13] Liên Xô cũng yêu cầu quyền đi vào Ba Lan, România và các Quốc gia Baltic khi nào họ cảm thấy an ninh của mình bị đe dọa bởi Đức. Chính phủ các nước trên đã phản đối các đề nghị này của Liên Xô bởi vì, như Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Józef Beck đã nói, họ sợ rằng một khi Hồng quân đã vào lãnh thổ của họ, thì đoàn quân này sẽ có thể không bao giờ rời đi.[8] Những người Xô Viết thì không tin người Anh và người Pháp tôn trọng lời hứa an ninh chung, do họ đã bị thất bại trong việc giúp đỡ Tây Ban Nha chống lại những người ủng hộ chủ nghĩa phát xít hay bảo vệ Czechoslovakia khỏi Đức Quốc xã. Họ cũng hoài nghi rằng liệu các Đồng minh phương Tây sẽ thích Liên Xô tự mình đánh Đức hơn không, trong khi họ đứng nhìn từ bên ngoài cuộc chiến tranh.[14]

Giáo sư Michael Jabara Carley của Đại học Montreal (Canada) nhận xét: “Trong thập niên 1930, Ba Lan đóng vai trò của kẻ phá bĩnh. Đó là một chính thể cực hữu rất giống kiểu độc tài, bài Do Thái và có cảm tình với chủ nghĩa phát xít. Năm 1934, khi Liên Xô cảnh báo về Hitler, Ba Lan đã ký ngay một hiệp ước không xâm lược lẫn nhau với Đức ở Berlin. Vậy ai đâm sau lưng ai?". Ông nhấn mạnh: "Cho đến năm 1939, Ba Lan đã làm tất cả những gì có thể để phá hoại các nỗ lực của Liên Xô trong việc xây dựng một liên minh chống chủ nghĩa Quốc xã, dựa trên liên minh chống Đức từ thời Thế chiến thứ 1, bao gồm Pháp, Anh, Italy và vào năm 1917 có cả Mỹ... Trong các năm 1934-1935, khi Liên Xô tìm kiếm một hiệp ước tương trợ với Pháp thì Ba Lan lại cố công cản trở điều này"[15]

Sau những nỗ lực đàm phán không có kết quả, Liên Xô đã từ bỏ các cuộc đàm phán với các quốc gia phương Tây và quay sang thương lượng với Đức. Theo giáo sư Robert C. Grogin (tác giả cuốn Kẻ thù tự nhiên), kể từ năm 1936, tuy cả Đức và Liên Xô đều công kích gay gắt lẫn nhau về mặt ngoại giao, Stalin đã tìm cách đàm phán để có một thỏa thuận hòa bình với Đức thông qua các sứ giả của cá nhân ông[16]. Ngày 23 tháng 8 năm 1939, Liên Xô đã ký Hiệp ước Molotov-Ribbentrop với Đức Quốc xã, làm cho Anh và Pháp ngạc nhiên. Cả hai chính phủ đều tuyên bố hiệp định này chỉ là một hiệp định không xâm lược nhau. Một phụ lục cho thấy hai bên đã thực sự thỏa thuận về lãnh thổ Ba Lan với nhau và chia Đông Âu làm hai phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô và Đức.[d] Hiệp ước Molotov-Ribbentrop, được mô tả như một giấy phép chiến tranh, là một nhân tố chính trong quyết định của Hitler xâm lược Ba Lan.[8][17]

Đường biên giới mới theo kế hoạch và trên thực tế của châu Âu vào đầu năm 1940, theo Hiệp định Molotov-Ribbentrop, với các điều chỉnh sau này.

Hiệp định cung cấp cho Liên Xô thêm không gian phòng thủ ở phía tây.[18] Nó cũng cho Liên Xô một cơ hội lấy lại các lãnh thổ đã bị Ba Lan chiếm mất vào 20 năm trước và thống nhất các dân tộc tây Ukraina và Belarusia dưới một chính quyền Xô Viết, lần đầu tiên trong một nhà nước.[19] Mục tiêu chính của Liên Xô là tìm cách tái khôi phục tầm ảnh hưởng tại Đông Âu, lấy đó làm vùng đệm an ninh cho cuộc chiến sắp xảy ra với Đức. Lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin nhìn thấy các lợi thế trong một cuộc chiến với Tây Âu, mà có thể làm yếu đi các kẻ thù ý thức hệ của ông và mở ra các khu vực mới cho sự tiến ra của chủ nghĩa cộng sản.[20][f]

Ngay sau khi Đức xâm lược Ba Lan ngày 1 tháng 9 năm 1939, các lãnh đạo Đức Quốc xã bắt đầu thúc giục Liên Xô thực hiện phần cam kết của mình trong Hiệp định và tấn công Ba Lan từ phía đông. Đại sứ Đức tại Moskva, Friedrich Werner von der Schulenburg, và bộ trưởng ngoại giao Liên Xô, Vyacheslav Molotov, đã trao đổi một loạt tuyên bố chung ngoại giao về vấn đề này.[9] Liên Xô đã trì hoãn sự can thiệp của họ vì nhiều lý do. Họ đã bị làm rối trí bởi các sự kiện trong các xung đột biên giới với Nhật Bản khiến họ phải đem quân hỗ trợ Mông Cổ chống Nhật; họ cần thời gian để huy động Hồng quân; và họ đã nhìn thấy lợi thế ngoại giao trong việc đợi chờ cho đến khi Ba Lan đã bị làm tan rã trước khi Liên Xô tiến quân vào.[21][22]

Ngày 17 tháng 9 năm 1939, sau khi chính phủ Ba Lan đã bỏ chạy ra nước ngoài, Molotov đã tuyên bố trên đài phát thanh rằng tất cả các hiệp ước ký giữa Liên Xô và Ba Lan bây giờ đã vô hiệu,[g] do chính phủ Ba Lan đã từ bỏ nhân dân của mình và trên thực tế đã không tồn tại.[23] Cùng ngày, Hồng quân đã vượt biên giới vào Ba Lan.[5][24]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Liên_Xô_tấn_công_Ba_Lan http://www.vb.by/article.php?topic=36&article=1420... http://books.google.com/books?id=c9uvdT3GRLoC&pg=P... http://books.google.com/books?vid=ISBN0271010541&i... http://books.google.com/books?vid=ISBN0415338735&i... http://books.google.com/books?vid=ISBN0806526092&i... http://books.google.com/books?vid=ISBN1841764086&i... http://books.google.com/books?vid=ISBN8849812760&i... http://felsztyn.tripod.com/ http://web.ku.edu/~eceurope/hist557/lect16.htm http://www.yale.edu/lawweb/avalon/nazsov/ns069.htm